Ta biết, nếu ta chia sẻ điều này, những đôi chân ham mê xê dịch từ Bắc chí Nam sẽ không thể đứng vững. Nhưng tuổi trẻ mà, chỉ cảm giác chinh phục mới thỏa mãn được ta. Bạn đã chinh phục được bao nhiêu trong số những cung đường phượt Tây Bắc này rồi?
1. Đèo Mã Pì Lèng
Được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam, Con đèo như một sợi chỉ vắt qua giữa lưng chừng núi đá tai mèo hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn. Thời điểm lý tưởng để chinh phục cung đường này rơi vào khoảng tháng 10 đến tháng 11, là thời điểm giao mùa giữa mùa thu và mùa đông, thời tiết đẹp, nắng nhẹ không có mây mù, rất thích hợp để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên. Đây cũng chính là thời gian mà những cung đường phượt Tây Bắc mang lại những cảm giác tuyệt vời nhất đấy
Lên đỉnh Mã Pí Lèng ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh mướt quanh năm, những đỉnh núi cao vời vợi, những ai đến đây đều thấy như lạc vào tiên cảnh, ung dung, tự tại giữa đất trời.
2. Lào Cai – đèo Ô Quy hồ – Lai Châu
Với độ cao 2.000m so với mực nước biển, độ dài hơn 50 km, mức độ hiểm trở của đèo Ô Quý Hồ được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Vào những đợt mùa mưa, thì chỉ cần đến 1/3 đèo là sương mù đã bao phủ khắp lối đi khiến tầm quan sát vô cùng khó khăn. Thế nhưng, vào những lúc thời tiết nắng đẹp sẽ khiến các tay lái chủ quan và dễ gây ra tai nạn bởi độ dốc thay đổi nhanh chóng với những khúc cua tay áo liên tục.
Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo Ô Quý Hồ nằm 2/3 trên địa phận tỉnh Lai Châu và 1/3 còn lại nằm trên địa phận tỉnh Lào Cai. Tại nơi ranh giới cao 2.000 m (Cổng Trời), bạn có thể phóng tầm mắt xuống ngắm thung lũng Lai Châu nơi chân dãy Hoàng Liên hiểm trở hoặc ngắm nhìn đỉnh Fansipan hùng vĩ để thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
3. Nghĩa Lộ – đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải
Nằm trong những cung đường phượt Tây Bắc quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, đèo có độ dài trên 30km, thuộc quốc lộ 32 nối huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.
Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Cung đường đèo đã xuống cấp nhiều vì không được sửa chữa thường xuyên, dễ dàng bị sạt lở, sụt lún vì nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu. Thêm vào đó là sự nguy hiểm rình rập thường xuyên với những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ít có xe tải lớn qua lại trên con đường này vì độ dốc của đèo khiến cho quãng thời gian đi lại trở nên quá dài.
Bức tranh ở đèo Khau Phạ đẹp nhất vào tháng 9, tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của bà con dân tộc Mông phía bên Mù Cang Chải chín vàng.
Bạn có dám chinh phục cung đèo này không?
4. Điện Biên – đèo Pha Đin – Sơn La
Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
5. Pa Tần – Mường Tè
Với những dãy núi chập chùng nối tiếp nhau không ngừng tạo nên những đường cong không thể nào đẹp hơn. Sự thật là không một chiếc máy ảnh nào có thể lột tả hết vẻ đẹp mà nơi này sở hữu. Chỉ hơn 100km trên cung đường đèo, nhưng bạn sẽ mất gần 4 giờ để có thể vượt qua nó và hãy nhớ không bao giờ được chạy quá 40km/h hay để số 4 khi đổ đèo.
Tuy nhiên, để chinh phục cung đường này bạn cần phải có một tinh thần thép và kỹ năng chạy xe thật cứng. Chỉ cần một chút bất cẩn, vực thẳm sẽ chờ đón bạn bất cứ lúc nào. Các bạn nhớ nhé, phượt Tây Bắc rất cần những trái tim nóng và những cái đầu lạnh đấy.
6. Pắc Ma – Mường Tè – A Pa Chải
Đến A Pa Chải hay bất kỳ khu vực nào thuộc Tây Bắc Việt Nam, cuối tháng 8, đầu tháng 9 và tháng 1, đầu tháng 2 là thời gian đẹp nhất. Tuy nhiên, bạn không nên đi vào mùa mưa vì có thể gặp suối nước to, đường trơn, rất nguy hiểm.
Vì từ Mường Tè đến A Pa Chải, bạn phải chạy xe rất lâu bạn mới có thể thấy được một vài bản làng nhỏ nằm ẩn khuất dưới những thung lũng. Còn lại chỉ có cỏ cây, hoa lá, núi rừng, tiếng chim hót và cả tiếng suối chảy có thể nghe rõ mồn một từ trên cao. Phượt Tây Bắc là vậy đấy, hoang sơ, nhưng yên bình và cuốn hút vô cùng.
Càng đến gần địa phận A Pa Chải, cư dân càng thưa thớt, cảm giác như bạn và thiên nhiên đã hoà vào làm một. Nếu chuyến phượt Tây Bắc của bạn có nhiều thời gian , hãy thử thách bản thân mình khi tự băng qua những cây cầu treo mỏng manh chỉ đủ một người đi của dân địa phương tự làm, phía dưới là dòng nước chảy xiết đến đến đáng sợ. Hay ngâm mình trong một dòng suối trong vắt của Tây Bắc, mọi mệt mỏi khi vượt những cung đường khó khăn sẽ tan biến hết thảy, giúp bạn lấy lại năng lượng để chinh phục cực Tây A Pa Chải một cách dễ dàng.
Bạn đã chinh phục được bao nhiều trong số những cung đường phượt Tây Bắc này? Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn với Vé máy bay giá rẻ Flynow nhé. Đừng quên theo dõi Cẩm nang du lịch Flynow để cập nhật những thông tin và kinh nghiệm du lịch hữu ích nhé.