Thứ Hai , 23/12/2024 | 6:37 Sáng
ĐẶT VÉ TRỰC TUYẾN GỌI

1900 6432 - (024/028) 7300 1133

Review chuyến Trekking ở 18 cung đường “phiêu” nhất Việt Nam – Phần 1

Khoảnh khắc dạo bước những tia nắng vàng đầu tiên rải đều trên những ngọn cỏ và từng làn sương mỏng bay lãng đãng bên sườn đồi khiến người đi như có cảm giác đang lạc vào thiên đường nơi hạ giới.

Một chút xanh của cây cỏ, một chút vàng óng của những tia nắng mai xuyên qua màn sương mỏng để ta có thể chạm tay vào sự thuần khiết của thiên nhiên. Giữa núi đồi sâu thẳm, mọi thứ như chậm lại. Nơi này chỉ có cỏ cây, hoa lá, chim muông, đất trời giao hòa, không gian và thời gian hoàn toàn tách biệt với nhịp sống hối hả thường ngày. Ở đây, sóng điện thoại là thứ xa xỉ…. Đó là những gì 18 cung đường Trekking đẹp nhất Việt Nam này mang đến cho bạn.

Lưu lại và đi dần cho hết để tận hưởng nhé!

  1. Tà Năng – Phan Dũng

Review của bạn Lê Xuân Cường khi đi cung này:

– Đường đi chủ yếu có lối mòn, nhưng khá dễ lạc do nhiều điểm rẽ lung tung, các bạn nên chuẩn bị kỹ về tracklog GPS hoặc thuê người dẫn đường (các điểm toạ độ mình sẽ ghi cụ thể trong bài)

– Rất nhiều điểm cắm trại (dựa vào địa hình bằng phẳng, bếp than các nhóm trước)

– Rải rác các sản phẩm của các phượt thủ gồm: bánh kẹo, mỳ gói, chai nước… Do đó, các bạn nếu đi nhớ giữ gìn chút nhé, rác nào không tiêu huỷ hay đốt được, cố gắng gom xuống dưới.

Thời gian

Các nhóm thông thường sẽ đi cung này từ 2-3 ngày nếu tính từ Đa Quyn – rừng Tà Năng – cửa rừng Phan Dũng. Tuy nhiên, nếu bạn xuất phát sớm và đủ sức khỏe thì có thể đi trong 1,5 ngày. Tối chủ nhật lên xe, sáng sớm thứ 4 có mặt ở Sài Gòn.

Mình hết tổng chi phí khoảng 1 triệu cho chuyến đi này.

Chuẩn bị

– Nước uống: Nhóm mình mỗi bạn mang 3,5l nước (2 chai lớn và 1 chai nhỏ) và duy trì được 26 tiếng (6h sáng ngày 1 – 8h sáng ngày 2), sau đó sẽ dùng nước suối. Do đó, mỗi bạn nên mang tối thiểu 4l nước và phải chấp nhận uống nước suối (mình sẽ đánh dấu lại các điểm lấy nước).

– Đồ ăn: Tuỳ vào số lượng ngày dự kiến đi mà mang lượng đồ ăn và dự phòng phù hợp. Nhóm mình mang theo đồ ăn cho 3 ngày:

+ Cơm nấu sẵn, gói sẵn, nhét ba lô mang đi.

+ Muối mè, thịt kho ruốc

+ Gạo (không sử dụng đến)

+ Mỳ gói

+ Lương khô, xúc xích (dự phòng)

+ Kẹo sữa bò: Cái này ăn cho đỡ buồn + lấy năng lượng rất tốt

+ C sủi (tăng sức đề kháng, tuy nhiên không nên uống nhiều quá), 1 số ít thuốc dự phòng.

+ Oreo, bánh gạo.. (Cái này có thể mang thêm: Nhẹ và ngon)

– Vật dụng khác:

+ Smartphone có offline maps: mình xài iPhone, load các điểm đánh dấu trên bản đồ địa hình rồi lưu lại để đó. Dùng thêm 1 số apps như MapMe… Còn 1 số apps để đọc tracklog mình không biết xài (cái này là quan trọng nhất nếu không có người dẫn đường, các thành viên trong nhóm đều cần chuẩn bị để dự phòng trường hợp bị hư/mất điện thoại (Còn nếu bạn nào có hay biết xài GPS thì tốt rồi).

+ Pin dự phòng: Chủ yếu sạc điện thoại dùng dò đường + chụp ảnh chứ cung này cũng sóng điện thoại chập chờn, lúc có lúc không.

+ Lều: Nên lựa chọn loại chống mưa được.

+ Túi ngủ, chăn: Nên chuẩn bị vì tối lạnh.

+ Áo mưa: Áo mưa bộ thì mang thêm loại túi trùm cho Balô; còn không chọn loại cánh dơi cũng được, che được luôn ba lô, có thể làm tấm trải hay che mưa trên lều.

+ Đèn pin.

+ Nên sử dụng giày có độ bám tốt, phần vì giày cũ hư, phần vì chủ quan, mình mang dép xăng đan dẫn đến bồ ếch hơi nhiều và phồng rộp chân.

+ Mũ nón, khăn rằn (Vừa che nắng, vừa chống lạnh)

+ Quần áo: Lưu ý là phải cực gọn nhẹ, muốn không ở dơ thì mang thêm, muốn đi khỏe thì đừng mang, kinh nghiệm của mình thì mang thêm 1 áo thun + 1 quần lửng/đùi + đồ lót (2-3 cái)

+ Hộp quẹt, bếp cồn + cồn hoặc củi thông, cây mồi… Cung này không thiếu cây khô, nếu bạn mang theo đồ tươi hoặc nấu cơm thì nhớ chuẩn bị thêm đồ nhóm lửa. Dùng bếp cồn sẽ nhanh và đỡ tốn sức hơn.

+ Máy ảnh: Nhớ bao bọc kỹ chống mưa và va đập, nhóm mình không mang máy ảnh là tổn thất lớn.

Cung đường đi

Tối lên xe Phương Trang, dặn tài xế thả xuống ngã 3 Tà Hine (Hồ Đại Ninh): 220.000/người/giường nằm.

Xuống ngã 3 Tà Hine, các bó thể ngồi uống 1 ly cafe, ăn tô mì gói rồi thuê xe ôm vào Tà Năng. Quán mở sáng đèn ở đối diện ngã 3 Tà Hine. Ở đây lưu ý thêm 1 chút, rừng tên là Tà Năng nhưng điểm xe máy có thể chở bạn đến và đi bộ là thôn Toa Cát, xã Đa Quyn.

5h sáng, nhóm mình 4 người đi 2 xe ôm (2 người/xe) vào địa điểm bắt đầu đi bộ. Điện thoại anh Sơn xe ôm Tà Hine – 01634437939. Bạn nên nói là đi vào Toa Cát để đi bộ xuống Bình Thuận, có thể đưa hình của mình cho anh ấy để anh ấy nhớ ra là đến đoạn nào. 250.000đ/xe 2 người.

Xem thêm: 5 điểm đến đẹp mê hồn cho chuyến trekking đầu năm

  1. Tả Liên Sơn, Lai Châu

Núi Tả Liên (còn gọi là núi Cổ Trâu) thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngọn núi có độ cao 2.993 m so với mặt nước biển, có khung cảnh núi non hùng vỹ cùng với thảm thực vật rừng nguyên sinh.

Theo phượt thủ Hachi8, để leo lên đỉnh Tả Liên, bạn cần 3 ngày 2 đêm. Trưa ngày 1 bắt đầu leo, đường hoàn toàn là lối mòn mà dân bản hay đi rừng. Bạn có thể nghỉ đêm tại hang đá mà dân đi rừng hay leo vì gần như không có lán trại trên đường. Bạn cần tìm điểm nghỉ bằng phẳng, gần nguồn nước trước khi trời tối. Ngày 1 chỉ cần leo 3-4 tiếng là đủ tới cao độ 1.900 m. Ngày 2, leo lên đỉnh cao độ 2.993 m. Lên đỉnh trước 14h để có thể quay lại điểm nghỉ trước khi trời tối. Ngày 3, xuống núi, tầm trưa tới bìa rừng. Di chuyển về Sa Pa trước chiều tối.

Xem thêm: Ngược nắng đi Sapa – chuyến đi hâm nóng những yêu thương

  1. Núi Lảo Thần

Núi Lảo Thẩn được biết đến là nóc nhà Y Tý, Lào Cai. Đây là một điểm Du lịch trekking mới ở Lào Cai được các phượt thủ chuyên nghiệp phát hiện ra. Dưới đây là những tư vấn, hướng dẫn và kinh nghiệm cho chuyến trekking, phượt núi Lảo Thẩn, Lào Cai thuận lợi nhất.

– Vị trí: Thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

– Tọa độ: 22.610420 độ, 103.686535 độ.

– Cao độ: trên 2.800 m so với mực nước biển.

– Thời gian leo: 2 ngày 1 đêm.

– Cảnh quan: Tầm nhìn hướng về thung lũng Dền Sáng, núi Nhìu Cồ San rất đẹp. Là địa điểm “săn mây” đẹp nhất Y Tý.

– Độ phức tạp: Lên xuống ít, gần đỉnh mới dốc, nhiều gió. Đường leo núi không nhiều dốc và không phức tạp. Tuy nhiên có nhiều cây bụi, gai, gió mạnh và nắng gắt. Các bạn nên chuẩn bị mũ món, quần áo cho tốt.

Lưu ý

Bạn có thể cắm trại trên bãi đất trống bên cạnh hang đá của một cặp vợ chồng người Mông tại cao độ 2.560 m. Hang đá chỉ ở được khoảng 4 người, cho nên các bạn hãy chuẩn bị túi ngủ và lều bạt. Nguồn nước cách hang khoảng 30 phút đi bộ. Tuy nhiên, khu vực rừng núi rất hiếm nước, tốt nhất các bạn nên mang nhiều nước theo.

Các bạn nên thuê porter dẫn đường, bởi đây là một điểm phượt, trekking mới, tuy địa hình không quá khó đi nhưng dễ bị lạc. Các bạn hãy liên hệ với anh porter người Mông vui tính tên Hờ: 01255751173 để thuê anh cùng anh Lử, bạn của anh Hờ nhé.

Tổng thời gian leo núi là khoảng 6 tiếng. Lảo Thẩn được mệnh danh là nơi mặt trời mọc sớm nhất và đi ngủ muộn nhất ở Y Tý, Lào Cai, vì vậy các bạn hãy cố gắng leo lên đến đỉnh vào buổi sáng hoặc chiều tối để ngắm hoàng hôn hoặc bình minh.

Các bạn nên chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cùng đồ ăn, nước uống từ nhà hoặc mua tại Sapa bởi đồ trên Y Tý rất đắt và không nhiều. Xe có thể gửi tại trang trại rau sạch nhưng cần thỏa thuận giá và trả tiền trước, tránh mâu thuẫn.

Đặc biệt, đây là điểm du lịch mới, còn rất hoang sơ và nhạy cảm với những tác động tiêu cực của con người. Vì vậy, đề nghị các bạn có ý thức không xả rác trên núi. Trước khi rời núi hãy thu dọn sạch rác để mang xuống bản thiêu hủy.

Chuẩn bị

Ngoài các đồ dùng cá nhân thì có thể mượn nồi nấu của porter, còn bát đũa thì nên mua loại dùng một lần. Còn về đồ ăn thức uống thì các bạn nên chuẩn bị ỳ gói, xúc xích, lương khô, cơm nắm muối vừng, thịt bò hoặc thịt lợn và một số loại rau củ khó bị dập nát. Thịt và rau củ nên mua tại Sapa hoặc bản Y Tý để tránh ôi thiu. Nếu mang từ nhà các bạn nên chế biến sẵn hoặc ướp muối.

Gợi ý hành trình

Chặng 1: Hà Nội – xã Y Tý (380 km)

Với khí hậu trong lành, khung cảnh thơ mộng và chìm trong mây Y Tý từ lâu đã là điểm du lịch bụi, phượt và tham quan hút khách nhất Lào Cai. Để di chuyển đến xã Y Tý các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm phượt Y Tý ở đây hoặc theo lộ trình sau:

Cách 1: Đi xe khách, tàu hỏa từ Hà Nội tới Lào Cai (280 km)

Thuê xe máy tại thành phố Lào Cai. Di chuyển theo tuyến đường Lào Cai – Bát Xát (7 km) – Bản Vược (10 km) – Trịnh Tường (20 km) – Lũng Pô (20 km) – A Mú Sung (7 km) – A Lù (7 km) – Ngải Thầu (5km) – Y Tý (7 km).

Nếu đi theo lộ trình này thì bạn phải liên hệ thuê xe máy trước và di chuyển sớm. Đường lên Y Tý từ Lào Cai là đường biên giới khá khó đi.

Cách 2: Đi xe khách, tàu hỏa từ Hà Nội tới thẳng Sapa (310 km)

Thuê xe máy tại Sapa (rẻ hơn ở Lào Cai). Di chuyển theo tuyến Sapa – Tả Giàng Phình – Bản Xèo (38 km) – Dền Sáng (19 km) – Y Tý (16 km).

Cách 3: Thuê xe ôtô đi từ Hà Nội lên thẳng điểm leo núi Lảo Thẩn và hẹn ngày đón về. Tuy nhiên, đường đèo khá dốc, dễ say xe và nguy hiểm.

Dù đi theo lộ trình nào thì các bạn cũng đều nên dừng chân ở trung tâm Y Tý để nghỉ ngơi, ăn cơm và liên hệ với porter dẫn đường để có thể khởi hành săn mây Lảo Thẩn ngay đầu giờ chiều.

Chặng 2: Xã Y Tý – chân núi Lảo Thẩn (5 km)

Cung đường: Y Tý – Chung Chải (4 km) – Trang trại rau tại Phìn Hồ – Leo núi.

Điểm hẹn leo núi với porter là trang trại rau rất lớn tại đường vào bản Phìn Hồ. Như đã nói ở trên, bạn có thể gửi xe tại đây (nếu đi xe máy) nhưng nhớ là thỏa thuận và trả tiền trước.

Chặng 3: Leo núi Lảo Thẩn (cao hơn 2.800 m)

Ngày 1: Leo tới điểm nghỉ

Mất chừng 4 5 tiếng để tới điểm nghỉ. Nói là điểm nghỉ, nhưng thực chất là một hang đá và bãi đất trống của vợ chồng người Mông làm nương ở đây. Và các bạn nên leo sớm để kịp ngắm hoàng hôn ở đây. Rất tuyệt đó.

Ngày 2: Lên đỉnh núi

Dậy sớm, leo lên đỉnh ngắm bình minh rồi mới về ăn sáng. Theo kinh nghiệm du lịch bụi, phượt và trekking khám phá, “săn mây” Lảo Thẩn (Y Tý, Lào Cai) thì 5h30 sáng là mặt trời đã ló rạng, đây là thời điểm đẹp nhất trên đỉnh núi. Chỉ mất chừng một tiếng di chuyển từ điểm nghỉ lên đỉnh, không cần mang theo đồ.

Cuối cùng, quay trở về theo lối cũ để ngắm mây và toàn cảnh vùng núi nằm trên những phiến đá lớn, nhô hẳn ra bờ vực hướng về thung lũng Dền Sáng. Sau đó xuống núi đầu giờ chiều, lên xe về Sapa để trở lại Hà Nội. Kết thúc hành trình phượt, “săn mây” Lảo Thẩn 2 ngày 1 đêm thuận lợi và an toàn.

Còn 15 cung đường Trekking “cực đã” nữa, bạn theo dõi ở bài viết Review chuyến Trekking ở 18 cung đường “phiêu” nhất Việt Nam – Phần 2 nhé