Kinh nghiệm và lịch trình săn mây Tà Xùa.
Nói tới Tà Xùa người ta không thể không thét lên vì đẹp, khung cảnh hoang sơ, mây núi, bình minh tựa như thiên đường nơi trần gian…
A./ PHẦN 1: Kinh nghiệm săn mây
Trước khi chia sẻ lịch trình săn mây ở Tà Xùa. Mình muốn nói đến kinh nghiệm để săn mây sao cho có hiệu quả nhất. Vậy, mây mà chúng ta muốn săn là gì? Thường xuất hiện ở đâu? Làm sao săn được mây đẹp và hiệu quả nhất ? vv…vv…
Xin được đi luôn vào việc:
1./ Mây mà chúng ta muốn săn theo cách hiểu đơn giản và phổ thông nhất là sự tích tụ của hơi nước dưới áp suất và nhiệt độ nhất định sẽ tạo thành mây. Thường thì ở nhiệt độ thấp dưới 22 độ C và không thấp dưới 3 độ C. Nếu thấp quá sẽ tạo thành băng nếu ở dưới mặt đất còn tạo thành tuyết nếu từ trên bầu trời rơi xuống.( còn những loại mây khác nhưng ta ko nói đến ở đây)
2./ Ở Việt nam là vùng khí hậu cận nhiệt đới, vào mùa đông đặc biệt là các vùng núi phía bắc và các nơi có nền nhiệt độ khá thấp như Đà Lạt, Tây Nguyên có độ ẩm rất cao. Với các địa hình rừng núi bao quanh các thung lũng, các dòng sông, suối và rừng cây rậm rạp sẽ là nơi tích tụ của hơi nước, trải qua nền nhiệt độ thấp ban đêm và mùa thu đông sẽ tạo thành sương mù dày đặc. Nếu ta ở trong vùng này thì đó là sương mù theo cách gọi truyền thống còn nếu ta lên một độ cao nhất định bên trên tầng sương mù này thì cái sương mù mà ta vừa xuyên qua đó chính là Mây. Đó là mây mà ta muốn săn. Ở Việt Nam ta thì những nơi rừng núi phía bắc có địa hình rừng núi rậm rạp, có sông suối(nghĩa là có nguồn nước để bốc hơi tạo thành sương mù) và có thung lũng nằm trong các dãy núi cao thì sẽ là nơi lý tưởng để săn mây. Có thể kể ra nhưng nơi nổi tiếng như: Đà Lạt ở Tây Nguyên, Y Tý, Sìn Hồ, Ka Lăng, Mộc Châu, Tà Xùa, Điện Biên, Sa Pa, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ…vv…vv…và các đỉnh núi hay lưng chừng gần đỉnh núi như Phu Ta Leng, Tà Xùa, Fan, Núi Muối, Bạch Mộc Lương Tử, …vv..vv… mà trong giới xê dịch nhiều người đã được chiêm ngưỡng và săn thành công hay may mắn mà gặp được.
3./ Vậy, muốn săn mây hiệu quả thì ta cần gì?
– Thứ nhất là cần phải xem thời tiết để dự đoán trong thời gian đi khả năng cao là có mây. Thời tiết phải hội tụ đủ : mới mưa phùn, nền nhiệt độ thấp ban đêm và cao ban ngày, ban ngày cần có nắng thì mây mới đẹp. Trước khi đi săn mây ở điểm nào đó thì ta cần tìm hiểu thời tiết để biết. Chú ý yếu tố độ ẩm ở khu vực mình muốn săn.
– Thứ 2: Cần tìm hiểu phương hướng và địa hình để biết sơ qua về hướng mặt trời mọc, hướng đường đi, góc đứng ngắm hay chụp ảnh, địa hình và các yếu tố phụ trợ khác. Cái này các bạn có thể tìm từ Google Map và Google Earth. Tất nhiên nó chỉ mang tính chất tham khảo cơ bản cho chúng ta. Thực tế đến nơi rồi tùy cơ ứng biến nhưng nếu có đc những sự chuẩn bị thì sẽ khiến ta đỡ mất thời gian và chớp đc những khoảnh khắc tuyệt vời.
– Thứ 3: Với người đi ngắm thì cũng không cần thiết nhưng với những người đam mê chụp ảnh thì sự chuẩn bị về máy ảnh, ống kính, kính lọc cũng là điều quan trọng để săn được những bức ảnh đẹp về mây.
– Thứ 4: Thời gian: Đa phần chúng ta đi là hú họa gặp may vì đều là tranh thủ thời gian nghỉ hoặc xin nghỉ để đi. May thì gặp mà không may thì trượt. Nhưng nếu với những người chụp ảnh muốn săn mây thì bạn cần chuẩn bị mọi thứ cộng với luôn dành cho mình một khoảng thời gian nhất định trong mùa mây để có thể lên đường ngay khi hội tụ đủ yếu tố. Nói đến mùa mây thì lại phải nói thêm là mùa mây thường là vào mùa thu đông, đặc biệt là mùa đông mới hội tụ đủ điều kiện có mây.
B./ PHẦN 2: Kinh nghiệm và lịch trình săn mây Tà Xùa.
Vì vừa rồi mình có may mắn gặp được biển mây ở Tà Xùa rất đẹp đã chia sẻ trên mấy nhóm về du lịch và trên trang cá nhân nên có nhiều người hỏi lịch trình và kinh nghiệm săn mây ở Tà Xùa. Hôm nay mình xin chia sẻ những gì mình biết và theo kinh nghiệm của riêng mình với các bạn.
1./ Về yếu tố chuẩn bị thì các bạn hãy đọc ở phần 1. Hãy chuẩn bị cho mình tốt nhất để có thể săn mây được thành công và ghi lại được những bức hình đẹp làm kỷ niệm cho mình. Lần vừa rồi mình may mắn gặp may nhưng sự chuẩn bị không được tốt nên rất tiếc là không ghi lại được nhiều khoảnh khắc đẹp. Tuy nhiên với cảnh sắc như cõi tiên hôm đó thì tôi cũng đã mãn nhãn khi được phiêu bồng nơi thiên đường mây Tà Xùa. Chính sau chuyến đó và chuyến mới đây nhất tôi săn mây thất bại cũng ở Tà Xùa thì tôi đã rút ra được những kinh nghiệm và xin được chia sẻ với các bạn.
2./ Về lịch trình:
– Mình chỉ chia sẻ lịch trình tính từ Hà Nội. Các nơi khá di chuyển bằng cách nào để đến HN các bạn tự tìm hiểu. Hoặc ở những tỉnh lân cận với huyện Bắc Yên thì tự điều chỉnh hành trình phù hợp.
– Nếu đi đoàn thì nên tập trung tại cổng ĐH Quốc Gia hoặc cổng ĐH Sân Khấu Điện Ảnh để tiện di chuyển. Nếu đi ít người thì tự các bạn điều chỉnh sao cho tiện lợi nhất.
– Ngày 01 : Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Thu Cúc – Ngã 3 Thu Cúc ( QL 32) – rẽ trái đi Phù Yên – Bắc Yên (QL37). Tối ngủ Bắc Yên.(210Km)
Đoàn nào bụi bặm có thể chạy thẳng lên Tà Xùa để xin ngủ nhờ hoặc có lều, túi ngủ thì lên Tà Xùa kiếm chỗ dựng lều ngủ ngắm mấy đêm và bầu trời dày đặc sao cũng rất tuyệt. Từ thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa là 15Km đến trung tâm xã Tà Xùa.
Homestay tại Tà Xùa
Tà Xùa là 1 xã trên núi cao nghèo nhưng từ ngày nổi tiếng cũng có 1 số homestay giá từ 30-50-80k/người, để tránh tình trạng hết phòng mình khuyên các bạn nên gọi điện đặt trước.
Chỗ Ngỗng Homestay mình hỏi thì là 80k/người tại thời điểm, không biết ngày thường giá có rẻ không. SĐT: Anh Dũng: 0984.551.938.
Còn mình ngủ ở chỗ nhà anh Tài, rất vui tính và mến khách, đặc biệt có rất nhiều phòng, giá chỉ 40k/người thôi, nhà anh cũng nhận đặt ăn uống hoặc các bạn muốn tự nướng đồ cũng có thể alo anh thịt gà, chuẩn bị than củi nướng cho vui. SĐT: 0164.608.2022
Theo mình thì nên xuất phát từ chiều tối thì sẽ tiết kiệm được thời gian với những bạn ít thời gian hoặc tranh thủ đi cuối tuần.
– Ngày 02: Bắc Yên – Tà Xùa – Bắc Yên – Hà Nội ( 240Km)
Dậy sớm vệ sinh cá nhân trước 05h sáng. Chuẩn bị đồ ăn sáng từ ngày hôm trước để tranh thủ lúc bình minh ngắm mây. 05h đến 05h15 phải xuất phát từ Bắc Yên để di chuyển lên xã Tà Xùa. Mặc dù đoạn đường chỉ có 15Km nhưng toàn dốc ngược và có 1 vài chỗ đường hơi xấu chút. Đề phòng trường hợp có sương mù thì tốc độ di chuyển sẽ rất chậm. Lến đến xã Tà Xùa muộn sẽ mất khoảnh khắc mặt trời mọc lên từ biển mây.
Tới xã Tà Xùa nếu gặp mây thì đã là điểm lý tưởng để ngắm rồi. Các bạn xem trên ảnh mình chụp về các điểm ngắm mây lý tưởng và chụp mây lý tưởng mình đã chụp.
Trong trường hợp ở xã Tà Xùa bị mù thì các bạn có thể di chuyển lên điểm cao hơn trên đường đi Xím Vàng. Từ ngã 3 ở trung tâm xã Tà Xùa nếu rẽ trái là đi Xím Vàng, rẽ phải(đúng hơn là đi thẳng) thì đi Háng Đồng. Đi từ ngã 3 này theo hướng đi Xím Vàng khoảng 1,5Km ngược lên là đỉnh dốc. Nơi này thường rất quang vì ko có gì chắn. Đứng trên đây thì kể cả bên phía nhìn về Mai Sơn cũng đầy mây nhưng là hướng Tây ko có ánh bình minh còn nhìn về phía Tà Xùa, Háng Đồng thì cũng mênh mông mây và là hướng Đông có mặt trời mọc.
Thêm một điểm ngắm mây lý tưởng và có thể nếu đặc mây thì bạn có thể thò chân xuống để rửa chân khua khắng trong cái dòng sông mây ấy là từ ngã 3 trung tâm xã Tà Xùa bạn đi thẳng theo hướng đi Háng Đồng rồi tìm view phù hợp. Mình chạy khoảng 3 Km thì có 1 điểm rất đẹp có tảng đá lớn rìa đường làm điểm để các bạn tạo dáng chụp ảnh đẹp tuyệt.
– Các bạn có thể chụp choẹt thoải mái cho đến khoảng 10h hoặc 11h trưa mây vẫn chưa tan vì đặc điểm của biển mây Tà Xùa là thung lũng này được chắn xung quanh các dãy núi Tà Xùa nên khuất gió, mây rất lặng và bồng bềnh những lớp song nhẹ, thi thoảng mới chao lên một chút như bạn nghiêng chảo nước thôi. Chính vì vậy khi nắng lên rất cao, nền nhiệt độ tăng cao thì mây mới bốc lên. Đây là điểm đặc biệt của mây Tà Xùa hơn các nơi khác như Y Tý, Sìn Hồ, Ka Lăng, Sa Pa vì các nơi khác phải rình và chớp thời cơ nhanh, nếu không sẽ mất hết khoảnh khắc và mây tan rất nhanh hoặc mây di chuyển nhiều.
– Nếu sáng sớm khi chưa lên mặt trời các bạn có máy ảnh hịn có thể phơi sáng một chút với những ánh sáng điện của nhà bà con người Mông mờ ảo trong mây phía xa xa của các bản ở xã Tà Xùa rất đẹp. Nếu đúng ngày rằm hoặc ngày trời trong, nhiều sao sẽ là bức tranh huyền ảo như trên thiên đường. Mình đã được chứng kiến tận mắt các hình ảnh này và vỡ òa cảm xúc, lâng lâng mãi nhưng tiếc là những lúc đó ko có máy ảnh tử tế mà phơi, mà ghi lại.
– Sau khi săn mây chán chê, ngắm nghía, chụp choẹt thì khoảng 10h sáng đến 11h trưa các bạn di chuyển xuống Bắc Yên ăn trưa rồi về Hà Nội. Ở Bắc Yên có quán của một cô chú mình quen và nhiều bạn quen đó là quán cơm Phố Núi của gia đình bạn Long Anh hay hỗ trợ bọn mình khi làm chương trình thiện nguyện ở Háng Đồng. Cô chú rất nhiệt tình và nấu ăn ngon, rẻ. Các bạn cứ về đến Bắc Yên nhìn bên tay phải chiều di chuyển từ Tà Xùa về sẽ thấy quán cơm Phố Núi. Bạn Long Anh còn có 1 quán Karaoke ở gần đấy tớ chưa hát thử vì toàn vội nên ko dám rì viu.
Với 1 ngày, 1 đêm cho 1 hành trình săn mây thì đây là 1 cung hợp lý và đường dễ đi. Chỉ có mỗi 15Km từ Bắc Yên lên Tà Xùa là dốc cao thôi chứ từ HN lên thì hầu như đường dốc không đáng kể và đường đẹp.
Nếu bạn dư dả thời gian thì có thể thêm lựa chọn là từ Bắc Yên chạy theo QL37 qua cầu Tạ Khoa về ngã 3 Cò Nòi rồi về Mộc Châu ngắn cải, ngắm đồi chè. Từ Bắc Yên về Mộc Châu theo QL 37 khoảng hơn 70Km. Tuy nhiên đường này hiện đang sửa chữa vài đoạn khá bụi.
Hoặc bạn có thể di chuyển về Mộc Châu theo hướng Phà Vạn Yên cũng là một trải nghiệm thú vị. Từ Bắc Yên bạn chạy theo QL37 về đến ngã 3 Gia Phù thì rẽ phải đi Phà Vạn Yên. Qua phà Vạn Yên ngang lòng hồ sông Đà rồi chạy tiếp 57Km nữa về Mộc Châu. Các bạn có thể lựa chọn chiều ngược lại là đi Mộc Châu trước rồi sang Bắc Yên, lên Tà Xùa rồi về HN cho tròn cung.
Và cuối cùng là chúc các bạn may mắn gặp được thiên đường mây cho thỏa ước mong. Mọi sự chuẩn bị là cần thiết nhưng nếu không may mắn thì ngay hôm nay bạn nghe tin báo về có mây đẹp nhưng ngày mai bạn lên thì lại hết mây thì cũng ngậm ngùi mà thưởng thức những thứ khác. Mình cũng thất bại rất nhiều rùi chứ cũng chả giỏi giang gì với thời tiết đâu
Chúc mọi người có được chuyến săn mây Tà Xùa thành công và an toàn
Mọi thông tin bài chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ có giá trị trong thời điểm nhất định. Note chia sẻ viết ngày 26/12/2014
Nguồn bài: Ngong Hankang
Ảnh: Chang Mi