Ngày xưa, ông bà hay bố mẹ thường gọi “ăn Tết chứ không có khái niệm nghỉ tết, chơi tết hay thưởng tết như bây giờ. Tết cũng không phải đến trong cây mai cành đào, cũng không phải đến trong những bộ quần áo mới mà chính là thể hiện ở mâm cỗ ngày Tết. Và mâm cỗ ngày tết của người Hà Nội từ lâu đã trở thành nét văn hóa ở mảnh đất thủ đô
Trong ký ức của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung, mâm cỗ Tết không đơn thuần chỉ là việc chuẩn bị các món ăn mà còn là nơi lưu giữ các tinh hoa văn hóa ẩm thực.
Cùng vé máy bay Flynow tìm về mâm cỗ ngày tết của người Hà Nội ngày xưa để xem sự thay đổi như thế nào nhé!
Với người Hà Nội xưa, mâm cỗ ngày Tết phải thịnh soạn, đủ đầy thì suốt năm mới no ấm, thịnh vượng. Vậy nên nhiều người đi làm ăn xa, vất vả quanh năm cũng chỉ mong có được “mâm cao cỗ đầy” trong ngày Tết Nguyên Đán.
Số lượng món ăn trong mâm cỗ ngày tết của người Hà Nội thường không cố định, phụ thuộc nhiều vào điều kiện của gia chủ nhưng dù nhiều hay ít thì mâm cỗ nào cũng phải có đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa, thịt gà và xôi.
Dù đơn giản nhưng không hề qua loa, số lượng đĩa và bát trên mâm cỗ cũng phải đảm bảo số lượng nhất định, thường thì 4 đĩa 4 bát tượng trưng cho tứ trụ, 4 phương và 4 mùa. Bốn bát gồm chân giò lợn hầm măng, bóng thả, miến và một bát mọc nấm. Bốn đĩa gồm thịt gà, thịt lợn, giò lụa và xôi. Ngoài ra, có thể thay thế hoặc thêm một số món như nem rán, chả quế, thịt đông, vi cá, bào ngư…
Mỗi bữa cơm thường nhật cũng đầy đủ cả năm bảy món, không kể các món dưa, cà, và các món ‘mùa nào thức nấy’ như: cà bát, cà pháo (muối xổi, muối nén), dưa cải, dưa cần muối lẫn bắp cải và rau dăm, dưa góp (đu đủ, cà rốt hoặc su hào và cà rốt cắt tỉa thành những bông hoa, cái lá dầm với dấm tỏi và ớt quả, ăn vừa giòn, vừa chua chua, cay cay lại hơi mằn mặn).
Củ cải khô dầm với nước mắm ngon và gừng là các món ăn ghép rất hợp khẩu vị của mọi người. Mâm cỗ ngày Tết, ngoài những món thông thường như thịt gà, thịt lợn nấu đông, thịt kho tàu, cá kho riềng, giò, chả còn có long tu, bào ngư, vây, bóng cá thủ… tất cả là những đặc sản người Hà Nội dành cho ngày Tết.
Giò có mấy loại: giò hoa, giò lụa, giò thủ, giò nụ. Chả thì có chả quế, chả nạc, chả mỡ, chả chìa. Nem rán thì có nem Sài Gòn, nem chạo… Canh thì có canh bóng, canh miến, canh măng, canh mọc…
Canh măng được nấu bằng thịt chân giò và măng lưỡi lợn (măng khô). Giữa bát canh có một miếng thịt ba chỉ vuông, mỗi chiều khoảng 5 cm, khía làm tư để khi ninh nhừ thì nứt ra thành 4 góc. Hành tươi lấy cả củ và dọc thả vào nồi canh cho chín tái, vớt ra vắt lên trên miếng thịt trông như một cái hoa trong bát canh.Canh bóng thì chân tẩy bằng su hào, cà rốt, đậu Hà Lan. Su hào, cà rốt được cắt tỉa hoa, khi nấu lưu ý không để nát.
Giò lụa và trứng tráng mỏng thái chỉ, tôm bông, mỗi thứ để một góc, trên đặt mấy cọng rau mùi. Khi ăn gắp mỗi thứ một ít, bỏ vào bát. Phụ gia còn có tôm nõn và thịt thăn. Hai thứ này cho vào nước dùng nấu trước cho ngọt.
Không chỉ khắt khe trong khâu trình bày mà sự tỉ mỉ, cầu kì còn thể hiện qua việc chọn lựa nguyên liệu. Đã là cỗ thì các món đều phải trình bày đẹp mắt, bát đĩa phải đồng bộ.
Nguyên liệu làm mâm cỗ ngày tết của người Hà Nội phải được lựa chọn cực kì kĩ lưỡng, chẳng hạn như thịt gà phải là gà thiến 3 năm thì thịt mới chắc, ko bị bở và ngọt, măng nấu canh phải là măng gác bếp 1 năm, thịt lợn cũng phải chọn miếng tươi màu, dính dính ở tay thì mới chuẩn…
Xôi thì phải là xôi gấc mới đúng, bởi xôi gấc có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Để làm được một mâm cỗ cổ truyền đúng chuẩn cần rất nhiều công sức và thời gian, công phu và tỉ mỉ, chứa đựng tâm huyết của người làm với nhiều ước mong cho năm mới.
Ngày nay cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ ngày tết của người Hà Nội cũng vì thế mà đơn giản hơn nhiều. Nhưng dẫu có sơn hào hải vị hay rau riêu đơn giản, thì trên mâm cỗ cúng gia tiên, ông bà của các gia đình ở Hà Nội vẫn không có gì thay thế được cặp bánh chưng xanh cùng với đĩa dưa hành muối, vài khoanh giò lụa…